Tết ở Tập thể số 13 - Chương 1: Gói bánh chưng
Tết của những năm khoảng cuối thập kỉ 90, thủa đó, mạng internet chưa được phát triển như bây giờ nên nhờ vào đó. Con người ta cũng được gắn kết với nhau hơn bây giờ nhiều. Trong những kí ức thời ấu thơ của tôi, cứ đến độ vào xuân. Nhà nào nhà nấy nô nức nhau chuẩn bị. Không khí lúc ấy nhộn nhịp lắm; cái mùi hoa đào, mùi cây quất kiểng hòa cùng với mùi thẻ hương người ta cúng bái làm tôi hào hứng lắm.
Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở một khu tập thể nhỏ, bố mẹ tôi đều là công nhân của một khu xí nghiệp cách nơi tôi sống không xa. Cũng giống như mọi nơi khác khi vào xuân. Tết năm ấy khu tập thể số 13 cũng nhộn nhịp lắm. Chỗ tôi có một truyền thống là cứ độ 25-26 tết là tất cả các hộ trong tập thể nô nhau: người góp gạo, người mang lá, người ủng hộ đỗ xanh cùng vài cân thịt lợn. Mọi người bảo nhau để cùng gói một nồi bánh chưng thật to, vừa để ăn trong tết mà vừa để đem đi làm quà cho anh em, họ hàng trong dịp này. Mỗi người một công việc, người lớn thì ngâm gạo, đỗ và ướp thịt để chuẩn bị gói bánh chưng. Còn lũ trẻ con trạc tuổi tôi thì mỗi đứa một tay đảm nhận việc rửa lá dong để chuẩn bị gói bánh. Trẻ con như chúng tôi hồi đó không có điện thoại thông minh để sử dụng như bây giờ nên toàn tự kiếm trò để nghịch. Một trong những thứ khiến chúng tôi khoái chí vào độ hoa đào tới độ nở rộ chính là canh bánh trưng. Nói cũng phải vì cả một ngày, người lớn đã gói bánh nên việc canh bánh chưng là lũ trẻ phải làm để người lớn còn nghỉ ngơi lấy sức. Được giao cho việc này, chúng tôi háo hức mãi thôi. Có những đứa còn thó vài củ khoai của mẹ để vùi vào bếp lửa nướng chín. Vừa nhâm nhi củ khoai nóng hổi trên tay mà vừa trò chuyện rôm rả.
Chờ đợi cả một ngày thì cũng đến tối, khi người lớn bắc nồi bánh chưng vừa gói xong lên đống lửa cũng là lúc lũ trẻ con nháo nhào quây quần giữa sân để tụ tập trò chuyện. Tập thể chỉ có hơn 30 gia đình, mỗi nhà không quá hai đứa trẻ con. Chỉ duy có nhà ông Trọng quản lí khu tập thể là có tận ba người con. Trong số ba đứa con của ông, có cái Minh con út của ông là bạn thân nhất của tôi. Nhà ông Trọng cũng gọi là có của ăn của để nên cái Minh được ăn sung mặc sướng từ nhỏ. Nó cũng là đứa đầu tiên được mua xe đạp trong khu tôi sống. Từ chiều, tôi và nó đã đi lục tung cả nhà lên để tìm vài củ khoai để tối đem ra nướng. Lục tung cả buổi thì cũng gom được vài củ khoai mẹ tôi để dành để làm giống. Bọn trẻ canh bánh chưng chỉ hơn chục đứa tầm 8-9 tuổi trở lên. Những đứa bé tuổi hơn thì đều bị bố mẹ bắt ở nhà. Thủ lĩnh trong “Hội nghị canh bánh chưng” của chúng tôi chính là anh Vũ – anh trai ruột của con Minh bạn thân tôi. Anh lớn hơn chúng tôi nhiều tuổi lắm, không rõ lớn hơn bao nhiêu mà khi tôi lên 10 thì anh đã đi học đại học rồi. Anh lên trường học rồi sinh sống trong kí túc xá trường luôn, một năm thăm nhà được có vài lần. Năm nay anh về nhà còn dẫn theo một người bạn về ăn tết, nghe đâu là ở tận dưới Nam Định. Lúc nhìn thấy anh, chúng tôi trố mắt nhìn vì anh bạn đấy đẹp trai quá. Vừa cao lại da dáng thư sinh nên một vài chị lớn hơn tôi 4-5 tuổi mê mẩn lắm, mấy chị cứ tranh nhau ngồi cạnh anh đấy nhưng đáp lại. Anh chỉ ngồi cùng mỗi anh Vũ thôi. Lúc đấy tôi – với suy nghĩ ngây thơ của một đứa trẻ 10 tuổi thì chỉ đơn giản nghĩ là anh Mạnh (bạn của anh Vũ) ngại mà thôi.
Ngồi canh một hồi thì cả lũ đứa nào đứa nấy đều thấy chán nản, có đứa còn lăn ra ngủ ngáy o o rồi. Thấy vậy, anh Vũ vui vẻ nói với chúng tôi:
– Thế mấy đứa muốn nghe nhạc không, anh hát cho mà nghe.
– Thôi anh đừng có bốc phét đi, anh hát nghe như vịt đực ấy. Hát ai dám nghe – Lời nói vừa thốt ra là từ nhỏ Minh, em gái của anh.
Nghe thấy con em gái nói vậy thì lúc này anh Vũ mới cười xòa, anh nói:
– Anh trêu đấy. Anh Mạnh này có đàn guitar nên bảo anh Mạnh hát cho chúng mày nghe nhé – nói rồi anh quay sang vỗ vào người anh Mạnh lúc này vẫn còn đang trầm ngâm mân mê cái dây đàn guitar. Anh Mạnh giật mình quay sang nhìn chúng tôi, lộ rõ vẻ mặt ngơ ngác. Thấy vậy, tôi vui vẻ:
– Anh hát đi kìa, hát cho tụi em nghe với.
– Đúng, đúng rồi đó. Anh hát cho tụi em nghe đi! – Lũ trẻ con nhao nhao hùa theo lời tôi nói
– Các em nó đã nói vậy rồi thì anh Mạnh đừng khách sáo chứ – Anh Vũ húych vào vai anh.
– Nhưng mà anh hát không hay đâu, thôi….
– Thôi gì mà thôi, anh cứ hát đi xem nào.
Dưới sự hối thúc của chúng tôi thì cuối cùng anh cũng chịu hát. Anh hát hay lắm, anh đàn cho chúng tôi nghe cái bài gì mà tôi chẳng thể nhớ rõ tên nhưng khiến cho mọi người như bị cuốn hồn vào đó. Anh vẫn đang say xưa hát thì từ phía tập thể, một bóng dáng phụ nữ quen thuộc bước về phía chúng tôi. Đó là mẹ tôi, ra chỗ bếp bánh. Mẹ tôi tươi cười:
– Chà, sôi nổi quá nhỉ!
Mẹ tôi vừa dứt lời, anh Mạnh đang say xưa đàn hát thì giật bắn mình. Anh quay ra ngước nhìn mẹ tôi, anh lúng túng:
– Dạ cháu chào cô ạ!
– Ơ trông thằng bé này lạ nhỉ, cháu là….
– À đây là bạn cùng lớp điêu khắc với cháu, nó tên là Mạnh cô ạ – chưa để anh Mạnh trả lời, anh Vũ đã nhanh nhảu nói hộ. Nghe anh nói vậy, mẹ tôi mỉm cười:
– Ái chà, thằng Vũ năm nay lớn gớm nhỉ. Thanh niên rồi đấy
Nghe mẹ tôi khen, anh Vũ chỉ cười xòa. Mẹ tôi, bà Dung lại quay sang anh Mạnh
– Thằng bé này đẹp trai thế chắc sau này gái nó bâu đầy cửa
– Đúng rồi, đúng rồi cô Dung ơi. Thằng này á gái nó còn đứng xếp hàng ở kí túc xá mà đợi cơ ấy.
Nghe anh Vũ “chọc gậy bánh xe”, anh Mạnh biểu lộ một vài tia khó chịu rồi lại trở về bình thường. Đổ thêm nước vào nồi bánh chưng xong, mẹ tôi lại đi vào trong nhà bỏ mặc lũ trẻ con ngồi quây quần bên bếp lửa. Tôi thấy chán quá, quay sang huých cái Minh lúc này đang gật gù rồi bảo:
– Ê chán quá, kiếm gì chơi đi mày!
Bị tôi thụi cho một cái, cái Minh giật mình tỉnh lại. Khiếp quá cái con bé này, ngủ mà còn chảy hết nước dãi ra. Ghê chết đi được. Cái Minh lớ ngớ vài giây rồi nó quay sang phía anh Vũ đang ngồi cách nó 2 đứa. Nó nói:
-Ê anh Cò ơi, anh kể chuyện ma cho bọn em đi.
Anh Vũ đang ngồi trầm ngâm, nghe thấy em gái giục thì ngồi thẳng người lại. Anh chỉnh lại quần áo rồi hắng giọng:
– Mấy đứa muốn nghe anh kể chuyện gì nào?
Một vài đứa còn đang ngủ gà ngủ ngật trong thoáng chốc tỉnh lại như bình thường. Sở dĩ là vì anh Vũ có một biệt tài kể chuyện. Chuyện ma của anh có những chuyện tưởng như rất hài hước nhưng khi qua lời kể của anh. Nó lại trở nên đáng sợ hơn cả. Bọn trẻ nháo nhào:
– Anh Cò kể chuyện ma đi
– E hèm, thôi được rồi. Để anh kể cho mấy đứa nghe về con ma mặt thớt nhé – anh Vũ ôn tồn.
– Thôi chuyện đấy chán ngắt, anh kể cả ngàn lần rồi. Chuyện khác đi anh.
Thấy tôi ngán ngẩm chê bai, anh trầm ngâm một hồi rồi nói:
– Thôi được rồi, anh sẽ kể cho chúng mày về chuyện ma ở chính tập thể này luôn nhé.
Bọn trẻ con càng hào hứng, chúng ngồi sát vào nhau để ngồi nghe anh kể chuyện. Chúng tôi cứ vui vẻ như thế mà không biết rằng chính vì câu chuyện tưởng chừng vô hại của anh Vũ đã khiến cho cả khu tập thể nơi đây lâm vào tai họa.