Chuyến Xe Bus Chở Hoa Hồng Trắng - Chuyến Xe Bus Chở Hoa Hồng Trắng
Có ánh trăng nào theo bước chân anh
Luôn soi sáng chỉ đường anh khỏi lạc
Là hy vọng trường tồn anh ghi nhớ
Xoa dịu tấm lòng, khâu vá vết đau thương.
Trầm Nguyệt đề xong mấy dòng thơ dưới tấm hình chuyến xe bus buổi chiều vừa in. Trong mắt lại có chút gì trong veo hơi ướt. Chắc có lẽ bài nhạc, tấm hình và cả dòng thơ hợp với tâm trạng nên làm lòng người cũng xúc động theo.
Giữa cái thế giới hiện tại mà người ta đã quá nghi ngờ vào tình yêu, có quá nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ và gia đình không hạnh phúc. Chính bản thân Trầm Nguyệt cũng có lúc nghi hoặc và không dám mở lòng. Vậy mà cũng có ngày cô gái sợ yêu lại có thể ghi ra những dòng tâm tình đến vậy.
Không! Trầm Nguyệt tự an ủi. Vẫn có những đóa hoa dại sống an yên giữa một đám cỏ cháy nắng trơ trụi ven đường. Vẫn có những cành cỏ gai xanh lá giữa sa mạc khô cằn không giọt nước. Và vẫn có một dòng nước mát tưới qua trái tim khô cằn của Nguyệt giữa muôn vàn câu chuyện tình yêu đổ.
Nàng còn nhớ như in ngày hôm đó và chuyến xe mà nhiều người có thể sẽ cho là “ lo chuyện bao đồng” của mình.
Trầm Nguyệt là chủ của một tiệm hoa nhỏ dưới Sài Gòn. Chuyện hằng ngày chính là đến tiệm, mở cửa, soạn hoa, chờ nhân viên đến rồi bê đồ ra ngoài.
Hôm đó cũng như mọi ngày, cô tỉ mỉ cầm từng cành hướng dương cắm vào xốp ẩm nước. Sau đó lại quay người lấy từng bông hồng thật cẩn thận cho vào giỏ. Cứ lần nào làm xong thì lại lấy một cái bình xịt nhỏ xịt vào hoa để tạo độ ẩm và tươi. Vài bó được Trầm Nguyệt rắc kim tuyến, dưới ánh nắng mặt trời trong như một viên đá quý được tạo hóa chạm khắc phát sáng long lanh.
Đang làm không ngơi tay thì đột nhiên cửa tiệm bật mở. Trầm Nguyệt cũng ghé mắt sang. Thông thường việc tiếp khách là để các nhân viên trong tiệm làm. Cô chỉ đến tư vấn khi cần và giúp họ giải quyết những lần cắm sai ý khách hay xử lý hoa bị hỏng.
Nhưng hôm nay lại khác, bởi bước vào cửa tiệm là …một vị khách vô cùng đặc biệt.
Từ lúc Trầm Nguyệt thấy vị khách này đã vội vàng bỏ bó hoa đang gói dở sang một bênh và bước đến ngay. Giọng ngọt ngào trong trẻo cất lên.
– Ông ơi, hôm nay ông lại đến mua hoa hả?
Người đàn ông chỉ mỉm cười gật đầu. Dáng vẻ già nua với mái tóc bạc trắng làm người ta không khỏi xuýt xoa về sự bào mòn của thời gian cũng như sức mạnh con người. Có những người mặc cho thời gian tàn phá, họ vẫn sống, vẫn tiến lên dù biết rằng vốn dĩ mình cũng chỉ là đang làm nốt phần bài tập để giao cho giáo viên cuộc sống trước khi cuộc đời này hết hạn.
Vị khách quen này chắc cũng không ngoại lệ và hình như ông biết hết tất cả những việc gì mình cần phải làm. Bởi thế ông có vội vàng gì đâu. Ngày nào cũng chầm chậm đi bộ từ bệnh viện đến cửa hàng hoa nhờ cô chủ trẻ chọn giúp mình những bông hoa ý nghĩa nhất rồi lại trở về bệnh viện. Mua về một bó hoa làm vui mặt trăng dịu dàng, cốt cũng chỉ làm nền tạo khung cảnh cho điểm nhấn giữa trời trắng xóa của phòng bệnh âm u.
Trầm Nguyệt cũng đã quen với cảnh một ông lão đầu tóc bạc phơ cứ đi một cách thong thả rồi đến đẩy cửa tiệm bước vào. Mọi thứ cứ lẳng lặng trôi, bước chân ông vẫn đều đều một nhịp. Ông có biết là…thời gian này đến một lúc nào đó cũng phải dừng không ?
Hay vốn dĩ ông không quan trọng nó nữa nên mới thong thả thế.
Trầm Nguyệt không rõ, chắc chỉ có ông lão mới hiểu hết được những gì mà một người trẻ luôn chạy đua với công việc như cô không hiểu.
Giọng nói run run vang lên.
– Có hoa nào tượng trưng cho sự an nghỉ nhưng lại là khởi đầu mới không cô?
Trầm Nguyệt dịu dàng cười, không trả lời. Mắt cô liếc sang mấy nhành hồng trắng cắm gọn gàng trong chậu. Trong lòng chợt trùng xuống.
Đôi tay nhanh nhẹn lấy mấy cành hồng ra.
– Hoa hồng trắng này được không ông?
Ông nhìn đóa hồng rồi lại nhìn cô chủ, cẩn thận dặn dò.
– Thế cô gói lại giúp tôi nhé. Nhớ tuốt gai nha cô.
Trầm Nguyệt gật đầu, nhanh nhẹn gói lại, bọc giấy kính thật đẹp, gắn thêm nơ màu trắng nhạt. Cô còn cẩn thận gọt sạch phần gai nhọn dưới gốc theo lời yêu cầu của ông lão.
Sau khi nhận được tiền, cô lẳng lặng nhìn theo bóng lưng của người đàn ông đã chống đỡ biết bao sóng gió phong ba cuộc đời. Sao hôm nay dáng ông đi chậm hơn mọi ngày và có phần khập khiễng thế nhỉ?
Trầm Nguyệt nhìn được một chút, ông lão vẫn chưa đi xa. Cô vội chạy ra gọi với theo.
– Ông ơi! Con đang rảnh, con đưa ông đi nhé.
Ông lão lắc đầu. Từ xa, Trầm Nguyệt cảm giác đôi mắt ông hơi đỏ đỏ và có phần long lanh. Giọng ông vẫn thế, chẳng có gì khác cả.
– À được rồi, tôi đi bộ cũng được cô ơi.
Chẳng để cho Trầm Nguyệt thuyết phục thêm câu nào nữa, ông lão cứ thế quay lưng đi. Trầm Nguyệt lại lặng im thêm năm phút. Trong lòng cảm giác gì đó kì lạ lắm. Có phải hôm nay là lần cuối cùng ông đi bộ trên cung đường đã thân thuộc này không?
Bởi thế nên ông từ chối và muốn đi một mình, để nhìn ngắm lại tất cả những cảnh vật trên đường thêm một lần trước khi giã từ nó hay giã từ một ngôi sao sáng sắp vụt ngang trời.
Con tim thôi thúc cô hạ quyết tâm không thể để ông lão một mình như thế. Trầm Nguyệt bước theo thật nhanh. Ông lão quay qua nhìn, cô chỉ nói.
– Con tính đi mua chút đồ, con đi cùng ông nha.
Người đàn ông cười nhẹ không đáp, ôm bó hoa trong người đi từ từ.
Trời quang mây nghiêng nắng chào nhành hống trắng long lanh những giọt nước trong lòng người trai đã phủ đầy sương gió. Cô gái trẻ đi phía sau lưng ông. Cảm giác ông như một con thoi nhưng lại đưa thật chậm trong khung cửi thời gian.
Rốt cuộc sự sống ông sẽ kết khúc khi nào? Nhanh hay chậm mà đến cả giây phút này ông vẫn bình yên như thế?
Đi được một đoạn, cả hai cùng bắt một chuyến xe buýt. Xe hôm nay cũng vắng người. Sự yên lặng vẫn kéo dài cho đến khi cả hai ông cháu cùng ngồi cạnh nhau ở băng ghế cuối cùng của chiếc xe lưa thưa vài bóng người đang chờ đợi đi đến điểm cuối cùng của chuyến hành trình họ đang tiếp diễn.
Con người im lặng trong khi cánh hoa biết nói lời yêu thương.
Một già một trẻ ngồi kế nhau, hai khung trời phản ánh cùng một quãng thời gian ở sự đối lập làm nổi lên màu sắc của cuộc đời.
Chuyến xe dừng lại ở một địa điểm rất ít người lui tới. Ông lão xuống xe bước đi chầm chậm trên một con đường thưa người. Trầm Nguyệt cũng lẳng lặng đi theo. Hai bên đường, hàng bạch đàn to lớn nghiêng mình chào những con người xa lạ vừa ghé thăm. Có vài người mặc đồ công nhân màu xanh biển đậm đang chạy xe máy vào, trên tay cầm theo chổi, kìm, kéo. Họ chạy vuột qua ông cụ tạo thành một làn gió nhẹ làm cây cỏ bên đường rung rinh.
Hoa sứ trắng trong buổi sáng gần về trưa vẫn tươi và thơm ngát. Vài chậu Mokara được xếp lại thành một vòng tròn. Thân cây tuy nhỏ nhưng lá vô cùng chắc khỏe, được buộc vào ống nước trong chậu để cố định. Những bông Dendro khoe sắc tím nhìn hàng Tùng thơm đều đặn chĩa lên trời.
Trừ những cây hoa sứ to lớn thì chỉ còn mỗi bó hồng trên tay ông lão cũng là màu trắng tinh tươm.
Mất một lúc đi bộ khá lâu, ông mới dừng lại trước một ngôi mộ nhỏ mới đắp. Trầm Nguyệt cũng tiến lại gần để nhìn rõ hơn. Nền cỏ xanh dưới chân mềm mềm. Trong nghĩa trang này, mọi khung cảnh đều rất bình yên.
Người sống an bình, người chết an yên.
Đường đi đổ xi măng sạch sẽ. Cây xanh mát rượi, hoa nở khắp nơi. Bên phải mộ trong ra xa có rừng thông xanh rì. Người làm cầm ống nước tưới cây. Người thì cắt tỉa, người thì quét dọn. Tuyệt nhiên chẳng có một tiếng nói chuyện nào.
Ông lão đặt bó hoa xuống trước mộ. Phía sau lưng ông có một cái ống nước bự có nắp. Ông mở nắm lấy ra hai cây nhang cùng một cái bật lửa đốt lên. Mùi nhang thơm thơm tỏa khói bay đi.
Ông lại quay sang đưa một cây cho Trầm Nguyệt. Chẳng cần ông mở lời, cô cầm lấy. Cả hai đứng trước ngôi mộ.
Tấm ảnh người đàn bà mặc áo dài xanh đang mỉm cười. Họ nhìn bia mộ và người khuất mặt đang nhìn lại họ.
Sau khi cắm xong, ông rút từ trong túi áo ra một cây chổi nhỏ quét dọn thật sạch sẽ. Vì có người làm thường xuyên chăm sóc cây cảnh và nhặt rác, cũng chẳng ai vào đây mà lại mất vệ sinh, vứt rác lung tung nên cũng không cần tốn nhiều thời gian, ngôi mộ đã sạch tinh tươm. Sau khi quét sạch bụi bẩn trên mộ, ông lại dùng một cái khăn lau qua, lại vòi nước thấm ướt khăn rồi lau thêm một lần nữa. Từng hành động ông đều cố gắng làm rất nhẹ nhàng, chăm chú và tập trung hết sức. Đến cả cắm hoa vào lọ rồi đặt lại ví trí cũ ông cũng làm rất chậm rãi.
Trầm Nguyệt cũng muốn lại giúp cụ, nhưng cô cũng chẳng biết phải làm gì vì tất cả ông lão đều đã làm hết.
Nhìn cảnh hai mái đầu trắng đưa tiễn nhau. Người ở lại còn kẻ ra đi sao mà xót xa quá. Dây tơ hồng có già không? Hay mãi một màu đỏ, để kẻ còn yêu mãi sống trong nỗi buồn.
Trời không trong và cũng không nhiều mây. Trời xanh dương và nhẹ nhàng nắng. Những đám mây lững lờ trôi mang theo nỗi niềm lang thang. Có đám đi lẻ một mình và đi chậm. Có đám đi chung thành nhóm và đi nhanh.
Gió thổi gợi niềm thương nhớ. Chúng bỏ bên mình nỗi niềm của người còn sống gửi những ngôi sao băng và bay đi xa.
Hình như thời trẻ của ai cũng bộn bề. Thời ông chắc là còn chiến tranh, còn bom đạn. Thời bà chắc là còn những mái tóc dài mặc đồ bà ba cầm súng ra chiến trường. Họ trao cho nhau trái tim với ngàn nỗi nhớ ở hai nơi dòng sông xanh. Để khi về già được giây phút kề cạnh thì người này đã khăn gói, dọn hành lý chuyển nhà đến một nơi sống khác, khó tìm và…khó gặp.
“Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông.
Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau lúc góa bụa về già.”
Xuân hạ thu đông không kề cạnh nhau khi còn hơi thở, thì mình gặp nhau ở chốn thiên đường phương xa.
Trầm Nguyệt lót dép ngồi kế bên ông lão bên vệ đường. Trong rừng thông có mấy con hươu sao nhìn họ lạ lẫm. Ông lão vẫn nhìn ngôi mộ. Ánh mắt chứa đựng biết bao nhiêu thứ cảm xúc khác nhau mà nhìn vào đó Trầm Nguyệt cũng không thể nào biết hết được.
Nỗi buồn vì mất đi người đã đồng hành hơn cả chẳng đường cuộc sống, để bóng dáng một mình bước tiếp nốt lối mòn sau. Nhưng sao trong ánh mắt đó còn có sự nhẹ nhàng và êm dịu.
Cô gái trẻ muốn mở lời, nhưng câu nói vẫn còn ngập ngừng trong họng.
– Sao bà mất vậy ông?
Ông lão chầm chậm trả lời, không quay sang nhìn Trầm Nguyệt. Hai tay ông nắm lấy nhau đặt trên đầu gối, đôi mắt vẫn nhìn về phía mộ hết sức dịu dàng.
– Bà bị ung thư cổ tử cung, lâm vào hôn mê sâu. Bệnh viện trả về rồi ông rút ống thở.
Trầm Nguyệt im lặng, ông lão lại nói tiếp.
– Bà…đi thanh thản lắm cô!
Trong lời nói của ông cũng thanh thản như thế đó. Người ta hay nghe “rút ống thở” thường rất nặng nề, cứ như là một việc ác cướp đi sự sống của người đang thoi thóp trên giường bệnh, như cơn gió độc tàn ác cuốn bay đi chiếc lá cuối cùng của mùa Thu.
Nhưng với ông lão hiện tại mà nói, đó là một sự giải thoát cho chính bà và cho chính lòng ông.
Đôi mắt ông kể lên cảm xúc như muốn nói với Trầm Nguyệt rằng: “Bà trả hết nợ đời rồi cô ạ.”
Bà nhẹ nhàng bước khỏi đời ông để đi về một cuộc sống mới, trên tay cầm theo bó hồng trắng ông trao. Có phải bà trong mắt ông đã trở về với cô thiếu nữ thở mười tám đôi mươi? Hai người họ cùng nắm tay nhau ngồi trước con sông quê thấp thoáng hàng xà cừ đổ lá khô khi mùa đông về.
Như đóa hồng mềm mại theo chân bà mở ra một khởi đầu mới tốt đẹp hơn, đọng trong ông là tình yêu mãi một màu xuân sắc.
Làm sao đường ranh giới đủ lớn để chia cắt ánh mắt của những người đã lỡ trao nhau trái tim đỏ mùa hè sang?
Hạnh phúc hiển hiện trong đôi mắt người còn sống và là lời chúc phúc của người ra đi. Người ta sống hướng về nhau, và người ta mất cũng ở lòng nhau.
Trầm Nguyệt dìu ông lão về rồi bắt một chuyện xé cho ông. Bản thân cũng lên một chuyến xe khác để về lại tiệm. Trong lòng vẫn luôn nhớ về hình ảnh ông lão ngồi trước mộ bà. Hóa ra vẫn luôn có những người đem cả đời yêu lấy một người, sau đó đem người đó đặt ở trái tim vĩnh viễn.