Biến Chất - Chương 20: Đầu sóng ngọn gió
Thật ra lần đó cũng không phải là lần đầu chị tôi bị mẹ đánh đau đến vậy. Nhiều khi tôi muốn can ngăn, nhưng tôi chỉ là một đứa trẻ con, tôi không thể làm gì ngoài việc trợn mắt chứng kiến những cảnh đau da cắt thịt như thế, tôi là kẻ ngoài cuộc mà đã cảm thấy nhức nhối đến khó thở, thì chị là kẻ chịu tội sẽ cảm thấy tuyệt vọng đến nhường nào…
Đau ư? Có đấy!
Tủi không? Hẳn sẽ là…
Buồn không? Có lẽ không còn là buồn nữa…
Tôi đứng bên cửa, lặng lẽ nhìn chị bị mẹ đè vật xuống giường, chị chảy lên nhảy xuống để tránh né, nước mắt tràn trề trên gương mặt non choẹt của chị. Chị hiếm khi cầu xin mẹ tôi bất cứ thứ gì, vì chắc chắn mẹ tôi sẽ không cho. Thế mà bây giờ chị khóc lóc xin tha thứ, trông thật tội nghiệp biết bao!
Tay mẹ cầm cây roi đào vụt liên tiếp vào những phần da được lộ ra trên cơ thể chị, ngoại trừ mặt, chỗ nào mẹ cũng để lại dấu vết đáng sợ.
“Mày khoe bóng đèn hả Hạ?! Mày khoe với ai?! Mày có biết đó là tiền mồ hôi nước mắt của tao và ba mày dành dụm để mua không? Rồi khi bị cúp điện thì lấy cái gì mà dùng?!!”
“Hu hu… con không cố ý! Con không có khoe…” Chị tôi cố gắng giải thích câu được câu mất.
“Câm mồm! Mày còn cãi à?!!” Mẹ không bao giờ nghe lời giải thích của chị, có lẽ đánh như vậy mẹ vẫn chưa nư giận, “Trời ơi là trời cái loại con cái như thế này thì đẻ ra làm gì cho đau ruột hả trời?! Tao nói cho mày biết nhá… Tao sẽ mách với ba mày! Để ba mày băm mày ra!”
“Hu hu… Không đâu… hu hu…”
“Hạ!” Mẹ tôi quát, “Tao nói mày có nghe không?!”
“Dạ có…” Chị tôi mếu máo.
“Từ nay về sau có như thế nữa không?!!” Mẹ đã ngừng đánh và lăm lăm cây roi chỉ vào mặt chị.
“Dạ không…”
“Nhớ nghe chưa?!”
“Dạ nhớ…”
“Nói to lên! Còn khóc nữa tao đánh!”
Ủa? Tôi cứ nghĩ là mẹ đánh chị rồi cơ mà…
“Dạ nhớ!!!”
“Thằng Tuấn đâu?!” Mẹ đột nhiên gọi tên tôi khiến tôi giật mình, chưa kịp chờ tôi trả lời thì mẹ đã gác cây roi dài ngoằng lên mái, “Lát nữa ba về, mày nói cho ba biết là tao đã để sẵn roi ở đây nghe chưa?”
“Dạ…” Tôi không biết nói gì hơn.
“Còn con Hạ!” Mẹ tôi nhìn chị đay nghiến và dường như trận đòn vừa rồi vẫn không khiến mẹ vơi đi sự tức giận.
“Dạ…” Chị tôi giật nảy mình, tôi nhìn thấy rõ sự sợ hãi mồn một hiện lên trong đôi mắt ầng ậng nước của chị.
“Mày chuẩn bị tinh thần đi! Lát nữa ba mày có giết hay băm mày thì tao cũng không chắc được, liệu thần hồn đấy!”
Chị im lặng không nói và chỉ cúi đầu, mái tóc chị xổ tung xe khuất đi gương mặt tái nhợt xanh xao của chị.
Tôi không rõ lúc ấy tôi có sợ hay không, vì thật ra mẹ chưa bao giờ đánh đập tôi như thế. Cùng lắm chỉ mắng nhiếc vài câu là xong, thế mà cũng có lúc tôi nhìn thấy một phần khác nào đó trong con người mẹ. Mà phần “người khác” đó lại chẳng bao giờ dành cho tôi. Tôi nhìn chị ngồi thu lu một góc trên giường rồi nhìn ra phía cổng. Có lẽ mấy đứa con nít vừa nãy còn lảng vảng ở đây đã ai chạy về nhà nấy rồi. Tiếng khóc thảm thiết của chị chắc ở trên nhà bác Nga cũng nghe rõ.
Tôi chỉ thấy lồng ngực cứ gõ trống thình thịch, tôi đột ngột cảm nhận được sự khó thở. Cảnh tượng ấy như đông đá lại trước mắt tôi, nặng trịch và đè lên trí óc tôi, đè lên cả con tim của tôi. Bức bối. Ngột ngạt. Và cả sự phẫn nộ.
Tôi không biết vì sao tôi phẫn nộ, mặc dù cảm xúc ấy chỉ là một cái thoáng qua đến mức, tôi suýt nữa đã chẳng thể nhận ra.
“Thương con cho roi cho vọt” là thật ư?
Vậy mẹ tôi cũng thương chị quá nhiều rồi.
Tối hôm ấy ba lại say rượu, có vẻ như chị tôi không được may mắn cho lắm. Tôi chẳng muốn nhớ lại những hình ảnh đó, đối với tôi, nó thật sự khủng bố. Nó còn đáng sợ và ám ảnh hơn cả những cảnh đánh nhau tàn bạo trong phim hành động Mỹ.
Tôi đã chạy ra ngoài để khỏi phải nghe thấy tiếng khóc và cầu van của chị lần nữa. Tôi cảm thấy cực kì bức bối và cả sự sợ hãi. Tôi ước gì tôi có thể rời xa nơi đây, tiếng cãi vã và những sự bạo lực ấy khiến tôi cảm thấy bức bí. Có một thứ gì đó đang vùng vẫy trong tôi, đang thôi thúc, đang muốn phá tung thân thể nhỏ bé của tôi để giải phóng ra ngoài.
Tôi của năm mười tuổi chính là một đứa nhóc mong muốn bản thân mình lớn lên thật nhanh. Tôi muốn làm người lớn, tôi sẽ là người kiếm thật nhiều tiền, và tôi sẽ là người khiến ba mẹ thay đổi lối sống và nhìn nhận tôi bằng con mắt khác. Tôi may mắn hơn chị, tôi là con trai độc nhất nên có vẻ được nuông chiều ơn một chút. Và rõ ràng, tôi nhận ra được sự phân biệt nam và nữ ngay trong gia đình mình, mà sự phân biệt thì không bao giờ có sự cân bằng. Nó tàn nhẫn. Nó khốc liệt. Và nó thực tế.
Sẽ chẳng có ai chịu mở miệng thừa nhận một sự sai trái hiển nhiên ấy. Bởi họ đổ lỗi cho xã hội, à, cái thời ấy làm sao mà trọng nam khinh nữ thế? Ai là người sinh ra đàn ông trên thế giới này? Ai là người gánh vác trọng trách nuôi lớn những sinh linh trong bụng chín tháng mười ngày? Ai? Chẳng là ai nếu như đàn bà không có đàn ông chăm sóc. Rồi họ cũng sẽ phủ nhận những lời mà họ chỉ trích trước đó, khi mà trong chính gia đình họ đang hiện hữu sự phân biệt ấy. Họ sẽ đồng ý kiến với đám đông nếu như họ không trải qua những điều đó, và chắc chắn, họ sẽ có cách nghĩ khác nếu như họ đã lập gia đình. Thật vậy, mong muốn của bất cứ ai, chính là điều trần trụi ngay trước mắt, rằng họ muốn sinh ra những người con trai để gánh vác gia đình.
Chỉ tiếc là tôi ngày ấy vẫn không hiểu, mẹ bảo, đã là đàn bà thì phải biết nuôi con chăm chồng và hi sinh bản thân mình hết sức. Cho đến khi lớn lên tôi mới nhận ra, giữa tôi và mẹ là hai thế hệ với hai quan niệm sống khác nhau. Tôi không trách mẹ, mẹ trách tôi, tôi cũng không phản bác.
Tôi đã từng xem cuốn album ảnh của ba, trong đó chỉ có hai bức hình của chị tôi lúc năm tháng tuổi và lúc chị bốn tuổi. Và trong những bức ảnh ấy, tôi chẳng bao giờ thấy chị để tóc dài như bây giờ. Mà mái tóc dài như thế chị cũng phải nuôi trong hai năm trời. Nếu bây giờ ba cắt đi, chắc chị sẽ lấy nước mắt rửa mặt hằng ngày mất.
Cũng may bấy giờ có tôi là đứa con trai trong gia đình, ba tôi đã bớt khắt khe về chuyện tóc tai của chị.
“Ngồi thẳng lên!” Tôi đang tập tâng bóng ở ngoài sân thì nghe tiếng mẹ quát tháo trong nhà.
Tôi cứ tưởng mẹ quát chị, thế nhưng khi tôi chạy vào hỏi han thì thấy mẹ đang hét lớn vào tai ông nội.
“Ngồi thẳng cái lưng lên chứ ông nặng thế này làm sao tôi đỡ được?!” Mẹ tôi chật vật đỡ ông nội ngồi dậy. Mẹ gồng sức nâng cả người ông lên để đặt cái bô bên dưới. Có lẽ… ông muốn đi đại tiện.
“Ai đau đau đau! Cái lưng của tôi!” Ông nội chắc vẫn chưa nghe thấy mẹ nói gì, ông nhe hai hàm răng đen sì do ăn trầu, ông kêu la trời đất, “Gãy lưng tôi mất thôi!”
“Eo ơi…” Tôi lúc ấy cũng không giúp được gì, tôi thấy mấy cảnh không hợp vệ sinh thì muốn chạy té khói.
“Đi ra ngoài!” Mẹ tôi quát, “Trong đây hôi hám, tao thì đang liệt rũ cả người đây này!”
“Sao mẹ không kêu ba về giúp?” Tôi hỏi.
“Kêu ba mày, ba mày lại chửi cho! Đang đi làm trầy mặt trầy mũi kia kìa!” Mẹ vừa nói vừa thở hồng hộc, đôi lông mày nhíu lại.
“Khiếp!” Tôi nhìn thân hình thô kệch của ông, tôi nghe nói hồi trẻ ông chỉ cao có mét bảy, thế mà khi về già ông cũng chỉ hơi cong lưng, thân hình ông trông vẫn còn khỏe khoắn lắm nếu như không bị tai nạn. Tôi ôm quả bóng trong tay, nhìn ông và nói, “Mẹ khỏe thật đấy!”
“Khỏe chi mà khỏe!” Mẹ hừ một tiếng rồi bắt đầu rông dài những câu mà tôi không hiểu lắm, “Không khỏe thì việc này cũng vào tay tao cả thôi! Đẻ ra mấy đứa con gái, chỉ có bà Thu là hai ngày nữa từ Kỳ Anh ra đây thăm ông bay! Còn lại bác Hòa rồi bác Phượng, chả thấy mặt mũi tăm hơi đâu! À không, bác Hòa thỉnh thoảng còn vào mua cho mấy đùm thịt đùm cá! Còn bác Phượng bay làm nghề y sĩ hay bác sĩ gì đấy, chữa cho người ngoài chứ có thấy chữa cho ông mày đâu!”
Mẹ vẫn thường than thở về anh em họ hàng, về bản thân cho tôi nghe. Nhiều khi chẳng biết mẹ nói ra có phải để cho tôi lắng nghe không, hay đơn giản chỉ là để giải tỏa sự bức bí trong lòng? Cho dù là vì gì đi chăng nữa cũng không quan trọng, tôi chỉ là một đứa trẻ không hiểu chuyện, tôi vẫn thường gắt lại mẹ, bảo mẹ im đi, nói nhiều thêm nhức đầu. Rồi mẹ lại chửi tôi, chửi xong lại tiếp tục than phiền về họ hàng tổ tiên.
Mẹ tôi cứ đinh ninh ông tôi sẽ không sống nổi qua năm nay, thế nhưng chỉ sau hai tháng, ông nội đã đi lại bình thường. Mặc dù bạn đồng hành của ông là một đôi nạng cho bác Lam tự tay làm.
Hai tháng sau đó có một cuộc họp gia đình, hình như là chuyện xây nhà mới riêng cho ông và phá căn lán lụp xụp bên bờ ao, căn lán đã trải qua cùng ông biết mấy nắng mưa và có lẽ, ông nội cũng chẳng phản đối gì.
Ông nội bảo, căn lán ấy có nhiều kỉ niệm với người cũ, mà người cũ thì đã đi từ mấy năm trước rồi. Tôi thỉnh thoảng có nhìn thấy ông ngắm nghía một bức ảnh chụp kiểu ngày xưa, đó là một bà lão với mái tóc hoa râm, búi tóc củ kiệu mỉm cười phúc hậu. Tôi cảm thấy bà lão giống hệt cái ảnh thờ trong phòng cũ của chúng tôi, bà Phan Thị Lan, mất năm tám mươi mốt tuổi. Ông nội thường hay nhìn xa xăm mỗi lúc tôi hỏi đến người mà chị tôi gọi là “bà nội” ấy.
Sau đó, công việc đã bắt đầu ngay khi ông khỏe lại, các bác và cả ba mẹ tôi đều đã chọn được ngày động thổ, rồi đổ mái, và chờ ngày lên nhà mới…
Ngôi nhà nhỏ của ông ông nội cũng không cầu kì mấy nên cũng rất nhanh sẽ xong, một khoảng sân nho nhỏ được lợp tôn, một căn bếp và một phòng ngủ. Chỉ trong vòng một tháng, ba cùng tổ thợ của ba đã hoàn thành và chỉ cần sắp xếp đồ đạc là đâu sẽ vào đấy.
Sau khi ông sống ở ngôi nhà nhỏ đó, chị em chúng tôi lại phải học bài và ngủ ở gian nhà phía trên. Chị tôi là người tiếc nuối nhất, nên xin ba cho phép chị được ngồi học ở nhà ông, tôi cũng thế. Ba mẹ không quan trọng lắm mấy về chuyện đó nên đồng ý ngay.
…
Tôi nhớ có một lần đang ngồi học, chị tôi bỗng nhiên hỏi vay tôi hai ngàn đồng. Tôi hỏi để làm gì, hai ngàn thì mua được cái chi cơ chứ.
“Hừ! Tao cũng đâu muốn vay mày! Tại tao xin ba thì ba bảo xin mẹ, xin mẹ thì mẹ mày lại không cho! Thôi thì mày cho tao vay, mai mốt tao trả lãi!”
“Trả lãi là có thể trả em gấp mấy lần tiền chị mượn em bây giờ á hả?” Tôi ngây thơ hỏi.
“Ờ!” Chị tôi gật đầu, “Mà không trả bằng tiền thì trả bằng thứ khác có được không?”
“Thứ gì?” Tôi tò mò hỏi.
“Kẹo mút!” Chị tôi cười nói.
“Hứ! Em không ăn đâu!” Tôi bĩu môi.
“Thì mày cứ cho tao mượn, sau này đi làm có tiền, tao trả mày nhiều hơn, được không?”
“Thế nhưng lỡ đưa tiền cho chị rồi, mai em thèm kẹo mút thì sao?” Tôi vẫn đang phân vân, không biết có nên tin lời chị hay không.
“Ơ hay cái thằng dở người!” Chị tôi véo tôi một cái ngay đùi, “Mới bảo không ăn, mai lại kêu thèm rồi!”
“Ai đau! Mà chị mượn em làm gì?” Đây mới là vấn đề chính mà tôi muốn biết.
“Thì là… chậc…” Chị tôi gãi đầu, bối rối nói, “Nhà trường tổ chức cuộc thi nhảy dây, mỗi lớp phải mua một sợi dây thừng dài mười mét. Mà mỗi đứa phải góp hai ngàn đồng!”
“Sao chị xin mẹ mà mẹ không cho?” Tôi nghe thấy chị nói vậy, tôi lập tức kinh ngạc và đề ngih giúp chị, “Hay là em xin mẹ thay chị nhé?”
“Mẹ mày! Điên à?” Cứ tưởng chị sẽ cảm động chứ, biết trước phản ứng của chị như vậy tôi đã chẳng tốt bụng làm gì. Chị tôi nói, “Mẹ mày tham bỏ xừ! Mày có nhớ lần trước ba đánh tao vì tao lấy hai ngàn đi mua bút không? Tao không thèm xin!”
“Nhưng tiền của em là mẹ em cho đấy!” Tôi nói.
“Của mày là của mày! Đã trong tay mày là thuộc quyền sở hữu của mày! Quá khứ của ai thì cần biết làm gì? Thế rốt cuộc có cho mượn không?”
Tôi đắn đo hồi lâu, chợt nghĩ dù sao thì cũng có mấy khi chị tôi bế tắc và nhờ vả tôi, mắc nợ tôi như thế này đâu. Xem như chị nợ tôi hai ngàn, và nhất định tôi sẽ đòi cả vốn lẫn lãi.
“Nhớ trả em đấy nhé!” Tôi dúi tờ hai ngàn mới tinh vào tay chị, vẫn không an tâm mà nhắc lại.
“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” Chị tôi chẳng biết cảm ơn gì cả, cầm tiền mà mặt vẫn nhăn như bị táo bón.
Nhắc mới nhớ, chị tôi vừa nãy có nói với tôi chuyện chị lén lấy tiền của mẹ đi mua bút. Hay còn nói bằng một cách mĩ miều nhất, đó là “ăn cắp”. Chị đã xin tiền đi mua bút vì những cây bút chị chôm được của bạn, cái thì bị người mượn không trả, cái thì hết mực, cuối cùng chỉ trong giờ ra chơi năm phút, cây bút cuối cùng nằm trên bàn cũng mất tiêu. Ba tôi cứ hứa sẽ cho, nhưng rồi ba lại quên, mấy hôm chị cứ nhắc hoài, ba nói vào lấy tiền của mẹ mà mua.
Thế là chị tôi không dám xin phép mẹ, mà lục trong túi áo khoác của mẹ tôi, chị lựa tờ hai ngàn từ một xấp tiền đủ các loại mệnh giá. Chị bỏ qua những tờ tiền trăm tiền chục, chị chỉ lấy mỗi tờ hai ngàn đồng cũ rích và đến trường mua một chiếc bút chữ A.
Nhưng rủi thay, mẹ tôi là một người rất kỹ tính, mẹ đếm tiền và nhớ rất rõ, ngay cả tờ năm trăm đồng cũng không bao giờ bỏ qua. Đêm ấy mẹ về mách với ba và đinh ninh chị lấy trộm hai ngàn đồng. Ba vừa nghe thấy thì lôi chị dậy từ bàn học và đánh một trận nhừ tử mà không nghe chị giải thích một câu. Cho đến khi đánh xong, ba mới hỏi chị trộm để làm gì. Chị nói chị mua bút, ba mới vỡ lẽ.
Mẹ tôi thì kinh ngạc, mẹ hỏi muốn mua bút tại sao không xin xỏ đàng hoàng. Chị nói lần nào xin mẹ cũng có cho đâu. Và lúc ấy ba mẹ tôi lại cãi nhau.